Mài kẽ răng là gì? Những điều cần biết về mài kẽ răng

Có lẽ có rất nhiều người đã nghe đến cụm từ “mài kẽ răng” khi đi đến bác sĩ chỉnh nha để khám và tư vấn đúng không. Đối với khách hàng của nha khoa Adora, khi nghe đến cụm từ đó rất nhiều người băn khoăn và lo lắng không biết mài kẽ răng là gì? Mài kẽ răng có gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng không? Mài kẽ răng sẽ diễn ra như thế nào? Vậy hôm nay, nha khoa Adora sẽ chia sẻ cho mọi người kiến thức về “mài kẽ răng là gì?” nhé!

Kiến thức giải phẫu răng

Cấu trúc của một chiếc răng bao gồm:

Men răng (lớp ngoài cùng): Đây là lớp mô cứng nhất trong cơ thể (thậm chí cứng hơn cả xương). Men răng được cấu tạo bởi 99% tinh thể hydroxyapatite, 1% chất hữu cơ và nước.

Ngà răng: là lớp bên trong men răng. Lớp này được cấu tạo bởi 97% tinh thể hydroxyapatite, 3% chất hữu cơ và nước. Ngoài ra, trong phần ngà răng còn có các đầu mút dây thần kinh ở trong các phần ống ngà. Chính vì vậy, khi bị sâu răng hay tổn thương vào phần ngà răng bạn sẽ cảm thấy ê buốt.

Tủy răng: là lớp trong cùng của răng. Trong tủy răng có chứa rất nhiều dây thần kinh.

Đối với việc mài kẽ răng thì bác sĩ chỉ tác dụng vào phần men răng. Ngoài ra, không tác dụng vào ngà răng hay tủy răng.

cấu trúc răng

Mục đích của việc mài kẽ răng

Tạo khoảng làm đều cung răng

Thông thường, khi nhắc đến tạo khoảng làm đều cung răng. Bạn thường nghe bác sĩ nhắc đến các phương pháp như: nhổ răng, nong hàm, di xa. Tuy nhiên, nếu không cần nhiều khoảng để nắn chỉnh răng thì bác sĩ sẽ chỉ định mài kẽ răng để tạo đủ khoảng làm đều cung răng. Bởi vì, khi mài kẽ răng, bác sĩ chỉ mài 1 khoảng rất nhỏ trong giới hạn men răng. Vậy nên, khoảng tạo ra sẽ nhỏ hơn so với các phương pháp khác.

Tạo hình thẩm mĩ răng

Bên cạnh việc mài kẽ răng để tạo khoảng. Bác sĩ cũng có thể mài kẽ răng để giúp tạo hình lại răng cho thẩm mĩ hơn. Ví dụ như: răng cửa hàm trên có hình dạng tam giác hoặc bị mất cân xứng, mất hài hòa thì bác sĩ cũng có thể chỉ định mài kẽ răng. Giúp răng thon gọn lại và tỉ lệ giữa chiều ngang, chiều dọc của răng được hài hòa hơn.

Khắc phục tam giác đen ở giữa các răng

Nếu như hàm răng của bạn có các tam giác đen do dùng tăm xỉa răng lâu ngày hoặc do hậu quả của các bệnh về viêm nha chu. Khi này, bác sĩ có thể chỉ định mài kẽ răng để giúp đóng các tam giác đen này lại.

Chỉnh sửa sai biệt chỉ số Bolton

Yếu tố cuối cùng bác sĩ cân nhắc trước khi chỉ định mài kẽ răng đó là giúp chỉnh sửa sự sai biệt kích thước giữa răng hàm trên và răng hàm dưới (chỉnh sửa sai biệt chỉ số bolton).

Sau khi đã cân nhắc tất cả các yếu tố trên kết hợp với việc xem xét bề dày men răng của bạn có đủ để đảm bảo thực hiện mài kẽ răng không. Khi đó, bác sĩ mới tiến hành mài kẽ răng

Bác sĩ sử dụng công cụ gì để mài kẽ răng?

Thông thường, bác sĩ sử dụng đĩa mài kẽ, lá mài kẽ, mũi khoan để mài vùng kẽ răng. Việc sử dụng công cụ nào để mài kẽ răng sẽ phụ thuộc vào thói quen cũng như là sự thoải mái của bác sĩ khi sử dụng các công cụ đó.

dụng cụ mài kẽ răng

Câu hỏi thường gặp khi mài kẽ răng

Một số câu hỏi nha khoa Adora thường gặp khi khách thắc mắc về vấn đề mài kẽ đó là:

Mài kẽ răng có làm răng yếu đi không?

Đa phần mọi người thường nghĩ rằng việc mài kẽ răng giống như mài răng để bọc răng sứ vậy. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, mài kẽ răng chỉ tác động loại bỏ 1 phần men răng ở mặt bên của 2 răng kế cận. Hơn nữa, bề dày men răng bị loại bỏ chỉ khoảng 0,1 – 1mm. Như vậy, phần mài kẽ vẫn nằm trong giới hạn men răng nên sẽ không gây ảnh hưởng gì đến cấu trúc của răng, không làm cho răng yếu đi.

Ngoài ra, bác sĩ phải cân nhắc rất kĩ những yếu tố ở trên trước khi chỉ định mài kẽ nên bạn đừng lo lắng nhé.

Mài răng để bọc răng sứ thì phải mài nhiều vùng men răng, thậm chí là xâm lấn vào vùng ngà răng để có đủ chỗ cho mão sứ chụp lên trên. Vậy nên, mài răng trong chỉnh nha và mài răng để bọc răng sứ là hoàn toàn khác nhau.

Mài kẽ răng liệu có gây ê buốt không?

Thực ra khi mài kẽ răng bác sĩ chỉ tác dụng vào phần men răng bên ngoài. Vùng này không hề có các cấu trúc và dây thần kinh nên thường bạn sẽ không cảm thấy ê buốt. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp răng nhạy cảm sẽ cảm thấy ê buốt nhẹ nhưng cảm giác đó cũng qua đi rất nhanh.

Mài kẽ răng có gây sâu răng không?

Thông thường, bề mặt men răng sẽ có 1 độ bóng nhất định. Chính độ bóng đó giúp hạn chế sự bám của mảng bám trên bề mặt men răng. Khi bác sĩ tiến hành mài kẽ răng sẽ làm cho bề mặt men răng trở nên nhám hơn. Điều này cũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn, mảng bám dễ dàng bám lên men răng tăng nguy cơ gây sâu răng. Tuy nhiên, nếu bạn đảm bảo việc vệ sinh răng miệng đúng cách. Đồng thời, từ phía bác sĩ sẽ đảm bảo các phương pháp dự phòng sâu răng cho bạn thì không cần lo sợ nguy cơ sâu răng tăng cao.

Mài kẽ răng được tiến hành như thế nào?

Đầu tiên, bác sĩ tiến hành gây tê tại chỗ để hạn chế cảm giác khó chịu trong quá trình mài kẽ răng. Sau đó, bác sĩ dùng lá mài kẽ, đĩa mài kẽ hoặc mũi khoan để tiến hành mài ở vùng kẽ răng. Tiếp theo, bác sĩ sẽ sử dụng mũi khoan để tạo hình răng. Cuối cùng, bác sĩ tiến hành bôi vecni fluor để dự phòng sâu răng cho khách hàng.

Như vậy, nha khoa Adora vừa chia sẻ cho các bạn các kiến thức liên quan đến “mài kẽ răng là gì?” trong chỉnh nha. Nếu còn bất kì thắc mắc liên quan đến vấn đề răng miệng, hãy liên hệ với chúng tôi qua fanpage facebook hoặc Hotline: 0251 88 75 666 – 0968 0968 68 đội ngũ bác sĩ của chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.