Trám Răng Thẩm Mỹ

Trám răng là một điều trị phổ biến trong nha khoa. Do tỉ lệ sâu răng ở người lớn và trẻ em vẫn ở mức cao nên hiện nay loại hình điều trị này không biến mất mà có nhiều cải tiến về kỹ thuật cũng như chất lượng vật liệu để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Cùng tìm hiểu một số kiến thức cơ bản về kỹ thuật trám răng nhé!

Những loại hình trám răng hiện nay?

Mặc dù thị trường vật liệu nha khoa trám răng khá đa dạng, tuy nhiên, mọi người có thể phân biệt 2 loại chính sau đây:

Vật liệu amalgam

Đây là vật liệu trám cổ điển, có chứa kim loại nên màu sắc thay đổi từ bạc ánh kim đến đen. Thường chỉ dùng hạn chế ở vùng răng cối. Một số tin đồn lo lắng về sự độc hại của thuỷ ngân có trong Amalgam đối với người mang miếng trám. Tuy nhiên, đến nay, các nghiên cứu chưa đưa ra đủ bằng chứng liên quan đến vấn đề này. Cục thực phẩm – dược phẩm Hoa Kỳ xác nhận amalgam nha khoa an toàn cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi. Nếu lo lắng về tính độc hại cũng như tính thẩm mỹ của miếng trám, bạn có thể tham vấn ý kiến của bác sĩ.

Hình. Miếng trám Amalgam
Nguồn: mercuryfreebeirut.com

Vật liệu composite

Đây là vật liệu thẩm mỹ có bản chất là nhựa được sử dụng phổ biến hiện nay. Tuỳ theo vị trí răng, bác sĩ sẽ lựa chọn loại composite có độ cứng và màu sắc phù hợp. Với các tiến bộ trong lĩnh vực vật liệu nha khoa, composite dùng trong nha khoa hiện nay đảm bảo tốt các đặc tính về thẩm mỹ cũng như cơ học của miếng trám. Tuy nhiên, giá thành cao là một vấn đề cần cân nhắc.

Hình. Miếng trám composite ở hai răng của giữa hàm trên.
Nguồn: cleardental.com.au

Ngoài ra, còn có một số loại khác như trám tạm thời (như xi măng glass ionomer) , trám gián tiếp (inlay, onlay bằng sứ nha khoa).

Thời gian trám răng bao lâu?

Tuỳ theo độ lớn của lỗ sâu, vị trí lỗ sâu, số lượng lỗ sâu và số lượng răng sâu cần trám, bác sĩ sẽ thông báo cụ thể cho bạn thời gian cần thiết để hoàn thành một miếng trám. Trung bình thời gian trám cho một lỗ sâu là 15-20 phút. Nếu các lỗ sâu gần nhau thì có thể trám nhiều răng, do tiết kiệm được thời gian chuẩn bị, thay đổi vị trí các dụng cụ bảo vệ (khuôn trám, đê cao su). Tuy nhiên, há miệng trong một thời gian dài (thường trên 30 phút) có thể ảnh huởng đến hệ thống thái dương hàm như đau khớp, mỏi cơ; vì vậy, các bác sĩ có xu hướng chia ra thành nhiều buổi hẹn để hạn chế áp lực liên tục lên khớp thái dương hàm trong thời gian dài.

Có bị đau khi trám răng không?

Tuỳ thuộc vào độ sâu của lỗ sâu, tức là đáy của lỗ sâu gần hay xa phần tuỷ răng (phần trung tâm của răng có chứa các dây thần kinh cảm giác) mà bạn sẽ có mức độ cảm nhận khác nhau. Nếu lỗ sâu mới chớm hay nông (cạn) thường không gây cảm giác khó chịu gì. Nếu lỗ sâu càng lớn sẽ gây ê buốt nhiều khi bác sĩ lấy sạch mùn ngà cũng như khi đặt các hoá chất cần thiết trước khi trám. Nếu bạn lo lắng hay khả năng chịu đau kém, có thể yêu cầu bác sĩ bôi tê và chích tê trước khi thực hiện các thủ thuật. Ngoài ra, các phòng nha uy tín thường xuyên cập nhật và sử dụng các trang thiết bị mới, sắc bén và vô trùng tốt, cùng kỹ năng lâm sàng tốt của bác sĩ sẽ hạn chế tối đa cảm giác khó chịu cho khách hàng.

Có bị đau sau khi trám răng hay không?

Sau khi trám răng, bạn có thể có cảm giác ê buốt nhẹ do tuỷ răng bị kích thích về cơ học và hoá học trong thời gian thực hiện miếng trám cũng như sau khi đã hoàn tất miếng trám. Nếu có cảm giác này, bạn hạn chế ăn nhai bên phần hàm có miếng trám, không ăn uống các loại thực phẩm quá ngọt hoặc nóng lạnh để hạn chế kích thích tuỷ răng. Cảm giác ê buốt sẽ giảm dần và hết hẳn vài ngày hoặc vài tuần sau đó.
Tuy nhiên, trong trường hợp cảm giác ê buốt chuyển sang cơn đau kéo dài, nhất là vào ban đêm khi ngủ, đau không giảm khi dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, bạn cần đến gặp bác sĩ điều trị để kiểm tra lại miếng trám cũng như tình trạng viêm nhiễm (nếu có) trên răng đó.

Thời gian bảo hành đối với miếng trám là bao lâu?

Tuổi thọ của mỗi miếng trám phụ thuộc vào nhiều yếu tố: loại vật liệu, kích thước lỗ sâu, vị trí lỗ sâu (mặt nhai, cổ răng, mặt bên hay kẽ răng), kinh nghiệm và kỹ năng lâm sàng của bác sĩ, khớp cắn (cắn hở, cắn sâu, cắn đối đầu, cắn ngược, v.v…), thói quen chức năng (thường ăn đồ dai cứng, ăn đồ nóng, lạnh thường xuyên) và cận chức năng (nghiến răng, cắn móng tay). Theo kết quả của một số nghiên cứu, miếng trám Amalgam có tuổi thọ 10-15 năm, miếng trám composite có tuổi thọ ngắn hơn khoảng 5 năm.
Tuy nhiên, rất khó xác định được thời gian tồn tại chính xác của một miếng trám trên từng bệnh nhân. Thay vào đó, các phòng khám nha uy tín thường có chính sách bảo hành miếng trám trong một thời gian nhất định, chẳng hạn 6 tháng hay 1 năm. Nếu trong thời gian này, có những vấn đề liên quan đến miếng trám như (thay đổi màu sắc, rơi miếng trám, nứt miếng trám) khách hàng có thể được thay miếng trám mới miễn phí.

Cách bảo quản miếng trám như thế nào?

Sau khi trám răng, vật liệu gần như đã cố định tại chỗ, nên bạn hoàn toàn có thể ăn uống sinh hoạt như bình thường. Nếu có lưu ý gì đặc biệt, bạn sẽ được bác sĩ thông báo ngay sau khi trám xong. Nếu cẩn thận, bạn có thể xin lời khuyên từ bác sĩ.

Trong suốt thời gian miếng trám tồn tại trong miệng, để tăng tuổi thọ sử dụng cho miếng trám, bạn cần chú ý các điểm sau:

  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng bằng cách chải răng ngày 2 lần, dùng chỉ nha khoa loại bỏ mảng bám ở kẽ răng. Việc chăm sóc răng có miếng trám cũng giống như các răng bình thường khác.
  • Hạn chế nhai, cắn các đồ dai, cứng để bảo vệ cho cả răng thật và miếng trám.
  • Hạn chế hút thuốc lá.
  • Hạn chế thức ăn, nước uống có nhiều vị chua.
  • Khám răng miệng định kỳ để bác sĩ kiểm tra tình trạng của miếng trám và tư vấn thay miếng trám khi cần thiết.

Khi nào cần thay miếng trám cũ?

Trong thời gian sử dụng, nếu có cảm giác ê buốt tại vị trí miếng trám khi nhai, khi ăn uống đồ dai cứng hoặc nóng – lạnh mà trước đó chưa từng có cảm giác đó, bạn cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra lại miếng trám.
Ngoài ra, trong các lần khám răng miệng định kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra độ khít sát của miếng trám với mô răng, màu sắc của miếng trám, tình trạng mô răng còn lại và tư vấn cho bạn cần thay miếng trám mới hoặc phục hồi lại răng bằng phương pháp khác.

Tài liệu tham khảo
https://www.fda.gov/medical-devices/dental-amalgam/about-dental-amalgam-fillings
https://www.webmd.com/oral-health/guide/dental-health-fillings
https://www.aae.org/patients/dental-symptoms/tooth-pain/