Điều Trị Tuỷ Răng

Đau răng do sâu răng, chấn thương răng, nhiễm trùng tuỷ răng

Khi đau nhức răng nhiều, khó ăn nhai, đau nhiều về đêm, không ngủ được, không giảm khi sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường, bạn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Tuỳ theo nguyên nhân và mức độ trầm trọng của răng bệnh lý, khả năng phục hồi, bác sĩ sẽ tư vấn loại điều trị phù hợp như điều trị tuỷ, điều trị nội khoa, nhổ răng, v.v…

Hình. Răng bị nhiễm trùng tuỷ do sâu răng.
                                                          Răng bị nhiễm trùng tuỷ do sâu răng.

Vì sao cần điều trị tuỷ răng?

Tuỷ răng là phần trung tâm của răng có chứa các mạch máu và thần kinh cảm giác. Khi bị viêm nhiễm do sâu răng, bệnh lý nha chu, chấn thương răng, v.v…sẽ gây ra cảm giác đau nhức như mô tả ở trên. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, cần có can thiệp để loại bỏ phần tuỷ đã bị nhiễm trùng ra khỏi cơ thể. Giúp người bệnh có thể ăn nhai bình thường và không gây ra các biến chứng khác.

Nếu không điều trị tuỷ răng thì có ảnh hưởng gì không?

Răng bị viêm tuỷ mà không được chữa sẽ gây đau nhức kéo dài, ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Một số trường hợp có thể chuyển sang giai đoạn viêm tuỷ mạn tính. Gây tiêu xương quanh chóp răng hoặc tạo nang nhiễm trùng quanh chóp. Lâu dần có thể ảnh hưởng đến răng kế cận hoặc các cấu trúc sâu hơn như thần kinh, mạch máu, xoang hàm, v.v…

Răng đã ở trong tình trạng viêm tuỷ mạn tính, có thể chuyển sang giai đoạn cấp khi có một kích thích bên ngoài hoặc khi hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm. Gây đau nhức giống như trước đây. Tình trạng này có thể tái đi tái lại, hoặc gây biến chứng nặng hơn. Ví dụ như: viêm mô tế bào, sưng viêm lan toả vùng đầu cổ… diễn tiến đến nhiễm trùng máu và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Điều trị tuỷ răng và nhổ răng thì phương pháp nào tốt hơn?

Phương pháp điều trị được chỉ định tuỳ theo mức độ trầm trọng của răng. Phương châm điều trị của chúng tôi là xâm lấn tối thiểu, bảo tồn tối đa mô răng. Nếu răng còn khả năng phục hồi, điều trị tuỷ sẽ được ưu tiên hơn là nhổ răng. Mặc dù điều trị tuỷ mất nhiều thời gian hơn (3-4 lần hẹn) so với nhổ răng (1 lần hẹn). Nhưng sẽ giảm thiểu chi phí để làm răng giả sau này (thường gấp nhiều lần so với chi phí điều trị tuỷ). Mặt khác, nếu sau nhổ răng mà không làm răng giả thay thế sẽ gây tình trạng xô lệch của các răng kế cận cũng như trồi răng đối diện, ảnh hưởng đến khớp cắn và khả năng ăn nhai về sau.

Có những biến chứng gì khi điều trị tuỷ hay không?

Bất kỳ một can thiệp y khoa nào cũng có thể xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, nếu được thăm khám kỹ và chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu, điều trị tuỷ không gây ảnh hưởng gì đến sức khoẻ toàn thân cũng như tính mạng của người bệnh. Một số biến chứng thường gặp trong quá trình điều trị tuỷ là:

  • Gãy dụng cụ trong ống tuỷ. Tuỳ theo vị trí gãy mà bác sĩ sẽ tìm cách lấy ra hoặc để yên dụng cụ và báo cho người bệnh biết tình hình. Nhiều trường hợp, dụng cụ gãy vẫn tồn tại trong ống tuỷ mà không gây biến chứng gì khi ống tuỷ đã được làm sạch và vô trùng tốt.
  • Thủng ống tuỷ xảy ra khi bác sĩ thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu thận trọng.
  • Trám bít quá chóp răng hoặc trám thiếu: do thiếu chụp phim X-quang kiểm tra. Tại cơ sở nha khoa uy tín, việc chụp phim kiểm tra được thực hiện theo đúng quy trình sẽ hạn chế thấp nhất thiếu sót này.

Thời gian điều trị tuỷ là bao lâu?

Thời gian điều trị tuỷ tuỳ mức độ khó của răng cũng như tình trạng ban đầu khi đến khám. Trung bình điều trị tuỷ răng trước là 2-3 lần hẹn, răng sau là 4-5 lần hẹn. Thời gian cho mỗi lần hẹn là 30 phút. Bác sĩ sẽ tham vấn cụ thể cho từng trường hợp để bạn có thể sắp xếp thời gian phù hợp.

Khi điều trị tuỷ có bị đau hay không?

Với các kỹ thuật và phương tiện mới, điều trị tuỷ hiện nay thường không gây đau cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn nhạy cảm hoặc trong trường hợp cần thiết. Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc tê để giúp bạn thoải mái khi điều trị.

Điều trị tuỷ gồm những bước nào?

Điều trị tuỷ chủ yếu gồm có các giai đoạn: tạo đường vào tuỷ răng, lấy sạch tuỷ viêm nhiễm, đặt thuốc kháng viêm và làm sạch ống tuỷ, bịt kín ống tuỷ bằng các vật liệu phù hợp để tránh tái phát, trám kín đường vào tuỷ răng đã tạo trước đó, tái tạo lại răng hoàn chỉnh. Trong thời gian điều trị tuỷ, bạn sẽ được yêu cầu chụp một hoặc nhiều phim X-quang răng để kiểm tra chiều dài ống tuỷ, chất lượng của điều trị.

Hình. Các giai đoạn điều trị tuỷ
                                       Các giai đoạn điều trị tuỷ

Sau điều trị tuỷ còn đau răng không?

Sau khi loại bỏ hoàn toàn mô tuỷ hư hỏng, bạn sẽ không còn cảm giác đau.

Cần làm gì tiếp sau khi điều trị tuỷ?

Sau khi điều trị tuỷ răng, tuỳ lượng mô răng còn lại nhiều hay ít, bác sĩ sẽ tư vấn một trong các loại phục hồi sau đây: trám răng có/không đặt chốt, phục hồi mão răng kim loại, hoặc sứ có/không đặt chốt-tái tạo cùi răng. Phục hồi này giúp bảo vệ răng sau điều trị tuỷ. Cũng như tái tạo lại hình dạng răng đảm bảo thực hiện chức năng ăn nhai và thẩm mỹ.

Tuổi thọ của răng đã điều trị tuỷ là bao lâu?

Răng sau điều trị tuỷ có tuổi thọ trung bình từ 2-10 năm theo các báo cáo khoa học. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp thực tế, răng sau điều trị tuỷ được phục hồi phù hợp có thể sử dụng với thời gian lâu hơn mà không có vấn đề gì.

Cần làm gì để kéo dài tuổi thọ của răng sau điều trị tuỷ?

  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng bằng cách chải răng ngày 2 lần. Dùng chỉ nha khoa loại bỏ mảng bám ở kẽ răng. Việc chăm sóc răng đã điều trị tuỷ cũng giống như các răng bình thường khác.
  • Hạn chế nhai, cắn các đồ dai, cứng.
  • Khám răng miệng định kỳ để bác sĩ kiểm tra tình trạng của miếng trám/ phục hình trên răng đã điều trị tuỷ. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn chụp phim X-quang răng để kiểm tra tình trạng mô nha chu và xương quanh răng đã điều trị tuỷ.
Hình. Phim X-quang răng đã điều trị tuỷ
          Phim X-quang răng đã điều trị tuỷ

Khi nào điều trị tuỷ thất bại?

Điều trị tuỷ răng thất bại nếu không loại bỏ được hoàn toàn nhiễm trùng và tình trạng đau nhức của người bệnh. Khi đó, nhổ răng và phục hồi răng mất bằng cầu răng, implant nha khoa… sẽ được chỉ định để mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo

https://www.aae.org/patients/dental-symptoms/tooth-pain/

https://www.aae.org/specialty/clinical-resources/guide-clinical-endodontics/