Chăm Sóc Răng Miệng Cho Phụ Nữ Trước Và Sau Sinh

Nên khám răng định kỳ, nhất là khi có ý định mang thai

Phụ nữ khi có dự định mang thai nên kiểm tra răng để phát hiện các bệnh lý như sâu răng, viêm nha chu, răng khôn lệch hoặc ngầm. Phát hiện và điều trị sớm trước khi mang thai sẽ giúp hạn chế các rủi ro cho cả bà mẹ và thai nhi (đề cập bên dưới). Ngoài ra, nhiều can thiệp nha khoa không được chỉ định đối với phụ nữ đang mang thai mà cần trì hoãn đến sau sinh sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến sức khoẻ của bà mẹ vì không giải quyết triệt để được nguyên nhân.

Vì sao các bà mẹ cần quan tâm sức khoẻ răng miệng của mình trước và sau sinh?

Sức khoẻ răng miệng kém gây đau nhức răng, hôi miệng, nhiễm trùng nướu và niêm mạc có thể ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày. Khó ăn uống, mất ngủ, ngại giao tiếp do các vấn đề răng miệng đều có tác động không tốt về mặt thể chất và tinh thần cho bà mẹ lẫn thai nhi.

Ngoài ra, một số nghiên cứu còn ghi nhận có mối liên quan giữa sức khoẻ răng miệng và các bệnh lý toàn thân như đái tháo đường, viêm phổi; cũng như có thể có mối liên quan giữa bệnh lý răng miệng với bệnh lý tim mạch, đột quỵ, và sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.

Trong thai kỳ, phụ nữ có thể gặp phải các bệnh lý răng miệng nào?

Trong suốt thai kỳ, do thay đổi nội tiết tố và tình trạng vệ sinh răng miệng kém, bà mẹ có thể gặp phải các vấn đề về răng miệng sau đây:

  • Viêm nướu thai kỳ
  • Sâu răng
  • U hạt thai nghén
  • Viêm nha chu
  • Viêm tuỷ răng
  • Viêm quanh thân răng khôn
Viêm nướu thai kỳ

Khi mang thai, hay bị chảy máu nướu là chuyện bình thường, không cần phải lo lắng, đúng hay sai?

Sai. Trong giai đoạn thai kỳ, do những thay đổi nội tiết tố, phụ nữ dễ mắc các bệnh lý nha chu hơn. Các mầm bệnh này (vi khuẩn gây bệnh nha chu) có thể theo máu di chuyển đến tử cung và gây ra tình trạng sinh non. Vì vậy, các bà mẹ cần vệ sinh răng miệng thường xuyên và đến khám nha sĩ khi phát hiện các dấu hiệu như: ê buốt răng, chảy máu nướu tự phát hay khi chải răng, sưng nướu, răng lung lay, hơi thở có mùi hôi, v.v…

Khi đang mang thai, hạn chế hoặc không chải răng, đúng hay sai?

Sai. Vì khi mang thai, nướu răng nhạy cảm hơn bình thường, nên cần duy trì việc vệ sinh răng miệng hợp lý như:

  • Chải răng 2 lần/ngày trong 2 phút với bàn chải mềm và kem đánh răng có fluoride
  • Chú ý động tác chải nhẹ nhàng để tránh kích thích vùng lưỡi và họng gây nôn ói
  • Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám kẽ răng
  • Khám răng miệng định kỳ mỗi 3 tháng để phát hiện kịp thời các bệnh lý răng miệng
  • Hạn chế thức ăn dễ bám dính trên răng, khó vệ sinh

Theo quan niệm của ông bà xưa, mỗi lần mang thai sẽ rụng một chiếc răng, đúng hay sai?

Sai. Răng của phụ nữ mang thai có thể lung lay nhẹ do ảnh hưởng của các nội tiết tố ở thời kỳ này. Tuy nhiên, rụng răng khi mang thai là một vấn đề bất thường, cần đi khám nha sĩ ngay.

Khi bị nôn ói cần chú ý gì đến sức khoẻ răng miệng?

Phụ nữ mang thai thường có hiện tượng nôn ói do nghén. Trong dịch ói có chưa acid từ dạ dày, có thể gây mòn răng. Cần chú ý súc miệng bằng nước sạch để trung hoà acid, và chỉ chải răng sau đó 30 phút để tránh ảnh hưởng đến men răng.

Có nên thay đổi chế độ ăn trong thời kỳ mang thai?

Tuyệt đối không được kiêng cử trong thời gian mang thai nếu không có chỉ định của bác sĩ. Vì bộ răng của trẻ bắt đầu phát triển từ tháng thứ ba của thai kỳ, nên bạn cần ăn uống đầy đủ chất, nhất là các vitamin A, C, D, protein, canxi và phốt pho để đảm bảo em bé có được bộ răng chắc khoẻ sau này.

Điều trị răng miệng khi đang mang thai có an toàn không?

Nếu bạn đang lo lắng việc điều trị nha khoa có thể ảnh hưởng đến thai nhi thì hãy đến tham vấn tại các cơ sở nha khoa uy tín. Tại đây, bà mẹ sẽ được tư vấn cụ thể về tình trạng sức khoẻ của mình cũng như những loại hình điều trị nha khoa có thể thực hiện tức thì hoặc cần trì hoãn đến sau sinh để đảm bảo an toàn cho cả bà mẹ và em bé.

Nói chung, trong thời kỳ mang thai, nếu tình trạng bà mẹ và em bé ổn định, các loại hình can thiệp sau đây có thể thực hiện mà không gây biến chứng gì:

  • Chụp phim X-quang răng (có thiết bị bảo vệ thai nhi)
  • Trám răng
  • Lấy vôi răng bằng máy siêu âm
  • Gây tê tại chỗ với liều lượng thích hợp
  • Bọc mão

Lưu ý khi đến khám, cần báo cho nha sĩ của bạn biết về tình trạng thai kỳ của mình để có biện pháp bảo vệ thai nhi phù hợp.

Tài liệu tham khảo

Tanya Wrzosek and Adrienne Einarson, RN, Dental care during pregnancy, Can Fam Physician. 2009 Jun; 55(6): 598–599.

https://www.webmd.com/oral-health/dental-care-pregnancy#1

Rabinerson D, Krispin E, Gabbay-Benziv R, Dental care during pregnancy, Harefuah. 2018 May;157(5):330-334.

https://www.mouthhealthy.org/en/pregnancy-slideshow

https://www.mouthhealthy.org/en/pregnancy/concerns

https://www.mouthhealthy.org/en/pregnancy/nutrition